Trước bối cảnh Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế, các trường Đại học và Tico Travel đã và đang tăng cường phối hợp để đào tạo nguồn nhân lực chuẩn bị cho việc tái khởi động hậu đại dịch.
Sáng ngày 16/3/2022, Truyền hình VOV đã có cơ hội được đến thăm Công ty Tico Travel – Doanh nghiệp lữ hành và phỏng vấn ông Dương Văn Tiến – Giám đốc Công ty về việc tăng cường đào tạo nhân lực du lịch hậu đại dịch giữa Tico Travel và các trường đại học.
Theo thống kê trong năm 2021, cả nước có 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch. Dịch COVID-19 khiến cho nhân lực trong ngành phần lớn bị mất việc làm, nhiều người buộc phải chuyển đổi sang ngành nghề khác để kiếm sống. Do đó, ngành du lịch đang đối mặt với sự thiếu hụt nhân lực trầm trọng khi tái khởi động hoạt động sau đại dịch. Tuy nhiên, tại doanh nghiệp Tico Travel, nguồn nhân lực vẫn đảm bảo đủ cho việc vận hành do có sự phối hợp, đào tạo với các trường đại học có chuyên ngành du lịch.
Nhân sự tại Công ty Tico Travel đáp ứng đủ nhu cầu của ngành du lịch hậu đại dịch COVID-19
Ông Dương Văn Tiến – Giám đốc Công ty Tico Travel cho biết: “Hai năm vừa qua, Tico Travel đã tuyển dụng được rất nhiều ứng viên từ các trường đại học thông qua mô hình hợp tác giữa trường đại học và công ty. Nhân sự trong mô hình này chiếm 25% trong tổng số nhân sự tại Tico Travel. Trong giai đoạn vừa rồi, mặc dù nhu cầu thị trường thiếu hụt nhiều nhưng doanh nghiệp Tico vẫn luôn đáp ứng được nhân sự để vận hành công việc.”
Mô hình hợp tác giữa các trường đại học chuyên ngành du lịch và doanh nghiệp tuy không phải mới, nhưng đặc biệt hữu hiệu trong giai đoạn dịch COVID-19. Bên cạnh sự chủ động tìm kiếm nhân lực của các doanh nghiệp du lịch, các trường đại học có chuyên ngành du lịch cũng phối hợp với các đối tác, chuyên gia trong các dự án đào tạo nhằm giải quyết bài toán nhân lực để sinh viên có cơ hội tiếp cận việc làm, còn doanh nghiệp được bổ sung nguồn nhân lực tốt.
TS. Đỗ Quỳnh Hương – Trưởng Bộ môn Du lịch, Khoa tiếng Pháp, trường Đại học Hà Nội chia sẻ: “Từ tháng 11/2021, chúng ta đã khởi động một dự án mang tên Solidarisme, tiếng Pháp có nghĩa là Solidarité en Tourime với ý nghĩa Đoàn kết trong Du lịch. Chúng tôi cũng tổ chức các hội thảo và các khóa đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên. Đó là bao gồm các kỹ năng ứng tuyển, định hướng nghề nghiệp của sinh viên sau khi ra trường và kỹ năng chuyển đổi số trong du lịch. Một mảng lớn trong dự án đó là xây dựng nền tảng số nhằm kết nối các sinh viên – đối tượng thử nghiệm của dự án và sau này là các sinh viên khác học du lịch tại Việt Nam với các doanh nghiệp ngành du lịch.”
Với góc nhìn của bạn Lưu Thị Ngọc Châm – một sinh viên chuyên ngành du lịch mới ra trường có đôi lời: “Khi còn ở giảng đường, các thầy cô sẽ chỉ cho mình những định hướng chung. Khi mà mình được làm việc thực tế tại doanh nghiệp thì mình sẽ biết được đối tượng khách hàng cụ thể như nào và biết được nhu cầu của người ta ra sao. Từ đó, mình có thể tư vấn định hướng một cách tốt nhất và chính xác nhất chứ không phải là lý thuyết ở trên giảng đường nữa.”
Đặc biệt, trong bối cảnh ngành du lịch bị “đóng băng” bởi đại dịch COVID-19 kéo theo nhiều doanh nghiệp du lịch buộc phải đóng cửa. Việc này cũng khiến nhiều sinh viên đang theo học chuyên ngành du lịch không khỏi hoang mang về tương lai việc làm sau khi ra trường. Doanh nghiệp Tico Travel tự hào vẫn đứng vững và luôn tìm kiếm thêm những ứng viên sáng giá để đào tạo các bạn nhằm kịp thời đáp ứng nguồn nhân lực cho ngành du lịch hậu đại dịch.
Các bạn sinh viên hiện nay đã được trang bị kiến thức chuyên môn tốt ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, được thực hành đúng thời điểm tại các doanh nghiệp. Đây là cơ hội tốt để sinh viên có thể gặp những tình huống thực tế và tự giải quyết các vấn đề. Từ đó, các bạn có thể yên tâm vững vàng bước ra đời, chinh chiến với những thử thách mới.
Thực tế, nguồn nhân lực du lịch đang có nhiều biến động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Nhưng trong khó khăn cũng xuất hiện nhiều cơ hội để các trường đổi mới chất lượng đào tạo và mô hình hợp tác giữa nhà trường và các doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu xã hội là giải pháp cần thiết để “phá băng” cho ngành du lịch, tạo tiền đề cho sự phục hồi ổn định của ngành hậu đại dịch.